Hãy làm nông dân để 'thấy' quê hương

|
查看数次:
font-size: A- A A+
"Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau..." - lời Rap của Đen Vâu.

Lắm khi chợt nghĩ: “Kiếp làm người nên trải qua một đoạn đời nào đó làm nông dân!”. Ừ, nhưng để làm gì? Mưu sinh à? Khỉ khô, có tỷ cách khác để mưu sinh, tồn tại. Ở không gian nào người chơn chánh cũng phải “cày” bở hơi mới tồn tại được, “cày” đến khép mắt mới khỏi “cày”.

Nên mới có ý rằng:
Thị dân là hóa thân của những “con trâu” cày trong lòng phố. 
Nông dân là hóa thân của những “con trâu” cày trong lòng đất. 
Chúng tôi chọn “cày” trong lòng đất.

Nói

Làm nông.

Nông dân “cày” từ lòng đất đến bầu trời, nắng mưa, mùa màng, thời cuộc. Chỉ có họ mới là kẻ tương tác trực tiếp đều đặn với vũ trụ, “liên lạc” với trời đất trong tư cách "động vật người". Muôn nghề còn lại chỉ là hoặc salon, hoặc chừng mực, nửa vời, bán trực tiếp, “quá giang” vũ trụ, mem mém chạm vào. Tiếp xúc cho hết cái lồng lộng giữa đất trời nên phần lớn họ dễ hơn thế giới thị dân cái điều cốt lõi: họ nhận ra “mình chỉ là một sinh vật!”. Họ nhận ra sự bình thường, nhỏ bé của mình. 

Còn thị dân, đa phần quen với ý thức mình là loài thượng đẳng khiến họ quên mất mình chỉ là một trong muôn loài. Sẽ khoe khoang, ngông nghênh, ngã mạn, đề cao những sắm sửa, thụ hưởng vật chất, mê say “thành công”, và thế là ảo tưởng về “thành đạt” (bạc tiền, danh tiếng, quyền thế). Nông dân thì ngược lại, họ khiêm nhường, chơn chất, không ồn ào. 

Cái ác, cái nhiễu nhương, cái tàn bạo thường là “họ hàng” của lòng tham và niềm tự hào hoặc hãnh tiến. Mà đô thị lại là nơi tạo ra những (khái niệm và ảo giác) sản phẩm trí não đó. 
Những lúc bị trọng bệnh, con người có thể bất ngờ nhận ra mình chỉ là một sinh vật. Nhưng hết bệnh thì sẽ quên đi ngay. 

Lúc sắp tắt thở, lâm chung ở tuổi già thì mới thấy toàn bộ, biết rõ “rốt cuộc ta chỉ là một sinh vật thôi”. Mới nghe ra cái gọi là “loài người” chỉ là sản phẩm của trí não nông nổi. 

Nông dân thương đất như máu thịt mình... 

Thế thì bớt ảo tưởng sớm hơn đi, bớt coi những gì mình làm được, có được, sở hữu được là ghê gớm đi. Là bớt hư hỏng đi đó, vì khi “lý trí tính” khống chế hoàn toàn “tự nhiên tính” thì con người sẽ suy nghĩ, làm gì cũng nghiêng về “lợi ích” của những điều mình nghĩ, mình làm, tức dùng lý trí để vận hành cuộc sống. Mà cuộc sống đích thực thì nó cần cái phần trong sáng trong đó mới ra cuộc sống, ra con người, ra “sinh vật”. 

Cảm nhận là đỉnh cao của nhân tính, là trí huệ, là cái lõi của cái giá thể sinh học kia (thân thể). Chúng ta sẽ thấy rùng rợn, khủng khiếp khi con người “giải phẫu” cả cảm xúc. Khi “giải phẫu” đến cái cao cả, tươi đẹp thì chúng ta trở thành nạn nhân của lý trí. Con người rất dễ tật nguyền, trở nên xấu, ác bởi sự không còn chút tự nhiên nào trong tâm hồn lẫn trí não. Thời đại của chao đảo nhân tính và trùng điệp những thứ khủng hoảng lớn bé hữu hình lẫn vô hình. Hình như nó là sản phẩm của xã hội đô thị và của thời mà con người chỉ giao tiếp với nhau bằng ngón tay (smart phone) thay vì bằng hơi thở, bằng ngắm nhìn nhau qua xương thịt, ánh mắt, tâm hồn sinh học. 

Thì hỡi con người, hãy tìm đến "mùi" của cần lao chân tay, để “trao đổi chất” với thời tiết, đất đai, khí trời. 

Đó là cơ hội để nghe thấy cỏ dại cựa mình. Nghe được sự thổn thức diệp lục. Để nhận ra tiếng cười vui lẫn khóc than của những côn trùng bé nhỏ. Để nghe được những mầm non chuyển dạ. Để biết khi sinh nở cây trái nó cũng rộn rã thăng hoa và thầm lặng tê tái dường nào. Để biết cây lá cũng thủy chung và cũng có ngoại tình. Để thấy được trời đất rục rịch chuyển mùa. Để có cảm giác thật sự về ngóng nắng đợi mưa. Ngóng đợi thứ không thuộc về mình, không bao giờ có thể làm chủ nó - thời tiết, mưa gió, lũ lụt, khô hạn. 

Là lúc thấy mình bé dại, mong manh. 

Để hiểu “vị” đầy đủ của kiếp người...

Chơi

Chỉ có thể có ở nông dân. 

Cuộc tìm kiếm cái ăn của con người nghĩ thật sâu thì thật ngoạn mục. Con thú trong rừng đi săn cái ăn, trong lùm, trong bụi. Con người tìm cái ăn từ đất. 

Cuộc đối thoại âm thầm giữa người với đất.

Đang mưu sinh là đang chơi đó, chơi giữa bể sinh tồn, chơi bằng kiếp sống.

Từng khắc, từng giờ, từng tháng, từng năm, từng thập kỷ, nó quay mãi, cuốn đi. Rằng, đời người được bao nhiêu mùa ruộng, mùa rẫy, mùa lúa, mùa mía, mùa dưa, mùa điều, mùa bắp, mùa cà phê?

Đời người được mấy lần mười năm? - ông nhạc sĩ trẻ nào đó đã “già” trước tuổi khi viết “xa” hơn thế hệ của mình như vậy. Đang mưu sinh là đang hưng phấn với đọa đày. Hạt giống thả xuống, cho ngày lên cây. Hẹn ngày viên thành, hoa trái. Ngày viên thành là chuỗi dài lao lực, lao tâm, lặn lội, hy vọng và ngóng đợi. Ngóng đợi nông sản như ngóng đợi tình nhân. Ngóng đợi tình nhân như ngóng đợi mùa màng. Ngóng đợi mùa màng bởi acid nucleic nó đang ngóng đợi từng nguyên tử protein trong thân thể kia. Protein là cội rễ sự sống và acid nucleic là đường dẫn kết nối tạo nên sinh khối. Một hành trình ngóng đợi.

Tôi ganh tỵ với cô bác dân cày: Người ơi, hạnh phúc là được khổ đau. Hạnh phúc sinh ra từ “chiếc nôi khổ đau”. Khổ đau là suối nguồn của hạnh phúc. Khổ đau là bài ca. Trong hành trình mưu sinh của kiếp người, khổ đau chứ không phải hạnh phúc, mới là “bạn tri kỷ” và “mục đích”. Hạnh phúc nó có thật bao giờ đâu, nó chỉ là một bài ca, là một cái gì đó rất “mơ” và ảo. 

Không có bài ca hay nào mà không là bài ca buồn

Và cuộc đời đẹp là nhờ khổ

Không có mối tình đẹp hay tử tế nào mà lại là mối tình lười biếng, đầy tình huống nhung lụa, ngập mặt trong vật chất, galant, kỹ nghệ chiều chuộng, đãi bôi, hưởng thụ. Đó là “động vật” chứ không phải “người”. Nó giống như của cải tạo ra không qua lao động mà cũng lấy làm tự hào, hãnh diện; nó giống như sống không có lao động mà cũng nghĩ mình là con người chân chính.

Lao động là đáp số duy nhất của lòng tự trọng và (mọi) giá trị. Còn nông dân chính là tấm gương để ai đó khi soi vào sẽ biết mình tròn méo, đẹp xấu!

Cười

Nơi đây, cõi miền nhiệt đới. Thứ nhiệt đới nhiều nắng, mưa, nóng, ẩm, không phải nhiệt đới xích đạo kia, càng xa khác những xứ ôn đới. 

Nhiệt đới của xã hội sống bằng xới đất, canh tác nông nghiệp chứ không phải du mục phẳng phiu trên thảm cỏ trời sẵn có. 

Nhiệt đới của sự sinh động, phóng khoáng, tự nhiên, độ lượng, thứ tha, nhân hậu. Nhiệt đới có nhiều sông ngòi, ao hồ, và dưới cùng của những lãnh thổ là đại dương. Bên cạnh vòng tay của biển. Bên cạnh chiếc nanh của biển. 

Miền nhiệt đới của mỗi năm hứng mười mấy cơn bão từ Thái Bình Dương. Của lũ lụt, thiên tai, động đất, sóng thần; đầy nước, đầy khô, đầy mát, đầy nực, đầy thăng, đầy giáng. Của ngay những thành phố ở hạ nguồn thỉnh thoảng cũng chìm trong lũ lụt và bé nhỏ bên cửa sông, cửa biển. Của những tháng mưa thênh thang và những tháng nắng bao la. Của những ngày trầm tư câm nín, không mưa không nắng. 

Hai nông dân trong trang trại mác mác (chanh dây).

Nhiệt đới của gần như trồng được gần hết các loài cây có mặt trên Trái đất. Của trời đất hào phóng. Của sản vật hào phóng. Của hoa xinh quanh năm, theo loài, bốn mùa. Của rực rỡ cây trong thiên nhiên và cây trên nương rẫy ruộng đồng. Của một trong những trung tâm xuất khẩu nông phẩm hàng đầu thế giới. Của vất vả của dân cày, và của niềm tự hào của người làm số liệu. 

Nông phẩm dội chợ, ối thừa, đổ tháo, “giải cứu”, băm nát làm phân; vật nuôi mắc dịch, mất công lỗ vốn, treo chuồng, treo ao, bán dưới giá thành hoặc không người mua; mùa màng thất bát, sâu bọ, lũ lụt, khô hạn, dịch bệnh; nợ nần... Mà vẫn không gục ngã, vẫn lỳ ra, và... cười. Và “khởi động lại”. Cứ thế hoài hoài. Thì chỉ có thể là nông dân trên xứ Việt.

Thế giới của hấp dẫn, chông chênh, và cả của không còn sự lựa chọn. Cứ thích nghi, mặc cho con tạo xoay vần, lạc quan để chơi tiếp. May thay, năm qua có vài loại nông sản “được giá”, dân “cày” loại đó... thở phào. Đây đó có nhiều người cười. Lạy Trời, ước cho có nhiều loại nông sản khác cũng ổn vậy, và bà con được tươi, không héo. Thị trường èo uột, nổi trôi, vô định, “lên voi xuống chó”, bầm dập nhiều thập kỷ, thế kỷ nên thấu rồi, bèn phải cầu ước chút ấy mà.

*

Nông dân là người tự tạo việc làm cho mình. “Giai cấp” tự tạo việc làm vĩ đại, kể từ khi loài người từ chỗ thu hái sản vật trên rừng, trong bãi chuyển sang thuần dưỡng cây cỏ và tự trồng ra, nuôi nó. Thính giác của nông dân là siêu đẳng, nơi hốc vườn xó ruộng mà lại biết ngay ở đâu đang có giống loài cây trồng mới lạ, giá trị cao. Và thiên bẩm tự đào tạo là thượng thừa, mò ra ngay cách thức để chinh phục nó. 

Nông dân biết nông vật là quà tặng của Mẹ đất. 

Hãy đi làm nông, để hiểu thì ra “ta” là nhiệt đới. Nhiệt đới là quần quật, không có tuyết rơi, không có chùn chân lẫn “nghỉ đông”. Thương nhất đất đai là nông dân. Nông dân thương đất như máu thịt mình chứ không phải như những kẻ buôn bán tài nguyên trong trời đất - bọn làm “bất động sản”. 

Nông dân nghe lời thủ thỉ của đất đai, còn cái đầu kỹ xảo của bọn kia chỉ nghe được âm thanh rủng rẻng của đồng tiền, lợi tức sinh ra trên giấy và môi mép. 

Nông dân thường tiếc khi phải rời khỏi một mảnh đất. Buồn khi hết đất. Đau khi mất đất. Còn những kẻ kia thấy mình là người “thành đạt” khi đẩy đi được một lô đất, những lô đất mà cách đó ít ngày còn là da thịt của người khác. 

Nông dân vất vả trong  hốc núi để đèo sầu riêng ra đường lớn

Nông dân thấy quê hương mình trên đất đai, kỷ niệm của mình trên đất đai, còn những kẻ kinh doanh bất động sản thấy “quê hương” ở... ngân hàng, ở những thành phố phồn hoa, thậm chí ở nước khác.

Phúc lợi của nông dân là nhìn những cánh đồng, vườn cây trái mình trồng ra mà không phải mua vé vào cổng. 

“Phúc lợi” của nông dân là tắm mưa, tắm nắng, tắm sương gió mà không phải “đi” du lịch. 

Sống trong đời thật mà như ở thiên đường. Sống trong cõi mộng mà không thấy bến mộng. 

Quên mất mình đang mộng và quên mất mình đang khổ đau. 

Khóc

Đợi mùa màng là đợi niềm vui về. Nhưng có khi cái “về” lại là những cái không vui.         

Như nông dân làm sao điều khiển được thị trường. Đố mà biết thị trường mùa tới giá nông sản sẽ thế nào! “Trò chơi trồng cây” thì thuộc nông dân, nhưng “trò chơi thị trường” thì thuộc những kẻ bán buôn cùng khả năng lẫn sự tận tâm của ai lèo lái đất nước. Hiếm hoi mới có năm được thăng hoa với đoản khúc“được mùa, trúng giá”, còn thì triền miên cay đắng với điệp khúc “thất mùa” hoặc “mất giá”. Thì cũng như họ quen với trạng thái “sáng thu, trưa héo, chiều đổ đi” ở rau, hoa, củ, quả  tươi xanh đó. Thế thôi, canh bạc ruộng vườn, xới bạc thị trường. 

Loại người có tinh thần “thép” chính là nông dân, “đánh bạc” kiểu đó mà vẫn bền gan; phập phồng kiểu đó mà vẫn không tan vỡ trái tim, tâm trí.

Loại người của chịu đựng, của sự phi thường.  

Làm nông dân để “thấy” quê hương. Quê hương là xung quanh đó, đơn sơ, từ trái tim chứ không phải trí não; từ cỏ cây, sông hồ, ruộng rẫy, mùa màng, tình người, đủ đầy hay đói nghèo. Nó xa hoa như thơ của Phạm Công Thiện: Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn / Cây khế đồi cao trổ hết bông. Để nhìn dương thế ở chiều xuống, ngang, dọc, chứ không phải chỉ “nhìn lên”. Bởi hình ảnh quê hương là những gì sờ chạm được cũng như bao thứ khác ở trạng thái vô hình, và đau đớn. Kẻ “trao đổi chất” nhiều với quê hương. Mặn nồng, lắng sâu. 

Không phải ngẫu nhiên mà khi lãnh thổ bị xâm chiếm hay lâm nguy thì bao giờ dân cày và con cái của họ cũng là lực lượng chủ yếu lao ra bảo vệ. Họ thành thật yêu quê hương nên đủ xót, và dám xả thân. Vạn pho sách sử hay triệu lời chót lưỡi salon cũng không bằng một hành động thương quê cụ thể giữa hiểm nguy. Bất cứ tình yêu gì “thật yêu”, giọt máu nó đều tươi nóng nồng nàn chứ không “lạnh”. Người nông dân bao giờ cũng nồng nàn. Vì vậy mà ở bên nông dân bao giờ cũng ấm, thấy tự do, trong sáng.

Buddha bảo: “Có thân là phải khổ, bất cứ chúng sinh (loài) nào”. 

Làm nông dân để tự mình mạnh mẽ, mạnh mẽ ở bên trong, không có và không cần lớp vỏ che chở nào.

Kiếp nông dân, là một kiếp người đủ đầy dưỡng liệu đất trời, nó tuyệt như thơ của thi nhân hòa thượng Thích Tuệ Sỹ: Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá / Rũ mi dài trên bến cỏ sương khô...; Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói / Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao... 

Theo nguoidothi.net

Total visited in day: 2,183
Total visited in Week: 2,182
Total visited in month: 4,789
Total visited in year: 446,928
Total visited: 1,995,744