Quản lý, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Bắc Giang có hàng trăm di tích, thắng cảnh được xếp hạng nên tiền công đức mỗi năm tương đối lớn. Nhằm tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích, bảo đảm công khai, minh bạch, các cơ quan chức năng đang tập trung kiểm tra, nắm bắt các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

Ghi chép đầy đủ, thu chi rõ ràng

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngày 29/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, chỉ kiểm tra các di tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích theo quy định và giao cho Sở Tài chính chủ trì. 

Việc quản lý tiền công đức tại chùa Phúc Sơn (Tân Yên) bảo đảm chặt chẽ, công khai.

Nội dung kiểm tra là quản lý tiền công đức, tài trợ năm 2023, gồm các mục như: Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ); nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. 

Tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội bao gồm: Tiền mặt, tiền chuyển khoản, ngoại tệ quy đổi ra tiền Việt Nam; vàng, bạc, kim khí quý, đá quý được quy đổi ra tiền Việt Nam (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật khác, các công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).

Tại thị xã Việt Yên, địa phương có số di tích được công nhận lớn nhất tỉnh với 106 di tích. Trong đó có 2 di tích quốc gia, đặc biệt, 18 di tích quốc gia còn lại là di tích cấp tỉnh. Thị xã đã khẩn trương thực hiện nội dung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hoàn thành sớm. Đến ngày 5/3, 10/17 xã, phường kiểm tra xong. Trong đó, phường Ninh Sơn là một trong những đơn vị triển khai sớm. Theo ông Thân Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND phường, phường đã thành lập Tổ kiểm tra gồm 9 thành viên, mỗi điểm di tích đến kiểm tra đều được lập biên bản chi tiết, đánh giá cụ thể mặt được, chưa được để chủ thể quản lý nắm rõ, khắc phục những hạn chế.

Khảo sát tại tổ dân phố Hữu Nghi, nơi có 2 di tích được xếp hạng gồm: 1 ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; 1 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, phường giao cho 7 người chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích. Kinh phí vận động trung bình hằng đạt khoảng gần 180 triệu đồng, số tiền này chủ yếu dùng vào việc tổ chức lễ hội và sửa chữa, trùng tu, tôn tạo di tích đình, chùa. 

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội cơ bản do cấp ủy, ban lãnh đạo và người cao tuổi trong tổ dân phố thực hiện. Từng mục đều có sổ theo dõi chi tiết, việc sử dụng đều được thống nhất, đúng mục đích; thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh của tổ dân phố để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết.

Tại cụm di tích đình Ngô Xá, chùa Phúc Sơn, xã Cao Xá (Tân Yên), việc quản lý tiền công đức cũng chặt chẽ, công khai. Khi khách đến chùa công đức đều được người có trách nhiệm ghi thông tin chi tiết. Nhà chùa lắp camera theo dõi, khi kiểm đếm có sự chứng kiến của nhà chùa, các thành viên được chính quyền xã giao quản lý. 

Bà Trần Thị T, TP Bắc Giang, du khách đến lễ chùa Phúc Sơn đầu xuân chia sẻ: “Chùa ngày càng được trùng tu có kiến trúc đẹp, cổ kính nên chúng tôi chọn là một trong những địa chỉ du xuân. Ngoài ra, ấn tượng của chúng tôi là khi công đức, dù giá trị to hay nhỏ, nhà chùa đều ghi cẩn thận danh tính, địa chỉ du khách vào sổ theo dõi, cho thấy sự cẩn trọng, rõ ràng của những người làm công tác quản lý tiền công đức”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn

Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, mục đích kiểm tra tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ; đồng thời thông qua công tác kiểm tra sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, giúp các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, KT-XH của địa phương.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 700 di tích được xếp hạng. Chưa có số liệu đầy đủ song chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích đạt hơn 67,6 tỷ đồng.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 700 di tích được xếp hạng. Chưa có số liệu đầy đủ song chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích đạt hơn 67,6 tỷ đồng. 

Với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu kiểm tra hoạt động thu, chi tiền công đức, Sở Tài chính đã tổ chức hội nghị hướng dẫn các huyện, thị xã, TP trong triển khai ở cơ sở. Theo kế hoạch, các địa phương phải hoàn tất, báo cáo kết quả trước ngày 20/3/2024; Sở Tài chính báo cáo, tổng hợp trình UBND tỉnh trước ngày 30/3/2024.

Thực hiện nội dung này, UBND tỉnh giao cho các cơ quan: Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nội vụ; Thanh tra tỉnh trực tiếp chỉ đạo, giám sát và hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn một số địa phương cụ thể. Qua nắm bắt, đến nay, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, TP đã triển khai theo kế hoạch, dự kiến hoàn thành theo đúng yêu cầu đề ra. 

Bà Tạ Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Yên Dũng, Trưởng đoàn kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Yên Dũng thông tin: “Trên địa bàn có hơn 80 di tích được xếp hạng từ cấp tỉnh trở lên. Tổ kiểm tra của huyện đang khẩn trương cùng với các xã, thị trấn kiểm tra theo các biểu mẫu; phấn đấu hoàn thành mọi việc trước ngày 20/3”.

Bước đầu kiểm tra, tổ công tác một số địa phương nắm bắt được những vướng mắc, kiến nghị. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Việt Yên cho biết: “Tiền công đức tại các điểm di tích trên địa bàn đều được quản lý, ghi chép cẩn thận. Tuy nhiên, việc mở tài khoản có nơi khó thực hiện bởi thành viên phụ trách chủ yếu là người cao tuổi, sử dụng công nghệ chưa thành thạo. Dù vậy, để bảo đảm đúng quy định, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn để ban quản lý di tích rút kinh nghiệm, triển khai trong thời gian tới”.

Theo quy định, Nhà nước không trực tiếp quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội. Nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch; không để xảy ra tình trạng tranh chấp dẫn tới mất an ninh trật tự, tạo ra dư luận xấu.

Theo Báo Bắc Giang điện tử

Thư viện video Thư viện video

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Tổng số trong ngày: 3,280
Tổng số trong tuần: 15,974
Tổng số trong tháng: 9,367
Tổng số trong năm: 322,301
Tổng số truy cập: 1,871,117